UBND xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên

http://hoathinh.tayhoa.phuyen.gov.vn


Sức sống mới trên quê hương Đồng Khởi

Dù vẫn còn những khó khăn nhất định, song những năm gần đây, nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân trên quê hương Đồng Khởi - Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa đã được nâng lên. Các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo khó ngày nào.


Dù vẫn còn những khó khăn nhất định, song những năm gần đây, nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân trên quê hương Đồng Khởi - Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa đã được nâng lên. Các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo khó ngày nào.

 

Từ xã khó khăn

 

Hòa Thịnh được biết đến là xã “quần đùi”, bởi trong quá khứ, vùng đất này đường sá lầy lội, ngập lụt, đi lại khó khăn, mỗi khi bước ra đường phải xắn quần lên tới đầu gối. Cơ sở vật chất đã nghèo nàn, đời sống của người dân theo đó cũng còn rất nhiều vất vả. Từ một xã thuần nông có điểm xuất phát thấp, đến nay kinh tế xã nhà đã khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên rõ nét.

 

Trong chuyến đi về quê hương Đồng Khởi, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Nghĩa. Là một cựu chiến binh gốc Hà Nội, 36 năm qua, ông xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình. Vào Phú Yên lập nghiệp từ những ngày Hòa Thịnh còn nghèo, điện đóm chưa có, tối đến, cả nhà quây quần bên ánh đèn dầu tù mù nhìn đâu cũng chỉ có bóng tối, xa xa là núi rừng trập trùng. Nhờ nỗ lực làm kinh tế, đến nay gia đình ông đã khấm khá lên. Chia sẻ về thời gian đầu vào vùng đất mới lập nghiệp, ông Nghĩa vẫn còn rất nhiều ấn tượng khó quên: “Ngày tôi vào đây, Hòa Thịnh là mảnh đất nghèo khó. Bước ra đường là quần xắn lên tới đầu gối. Đường sá sình lầy, đi lại khó khăn nên làm ăn không lên nổi được. Sau hơn 30 năm, hòa theo sự phát triển chung, Hòa Thịnh ngày càng thay da đổi thịt, nhiều công trình dân sinh mọc lên, đời sống người dân được cải thiện từng ngày”.

 

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thịnh Lê Văn Hùng chia sẻ: “Sau khi chiến tranh kết thúc, kinh tế của xã nghèo nàn, sản xuất lạc hậu. Đến nay, bảo giàu hay đẹp thì chưa hẳn nhưng Hòa Thịnh đã có những sự phát triển nhất định. Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, với sự đoàn kết, quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, Hòa Thịnh nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi bộ mặt địa phương”.

 

Phát huy truyền thống cách mạng

 

Đến Hòa Thịnh những ngày giữa tháng 6, chúng ta bắt gặp một vùng quê nằm yên ả bên những đồng lúa xanh mướt vừa gieo sạ. Những ngôi nhà khang trang mọc lên khắp các ngõ nhỏ, ngõ to; hoa từ các công trình của thanh niên, hội phụ nữ xã vươn mình khoe sắc trên khắp các nẻo đường.

 

Chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Hải (thôn Cảnh Tịnh). Thời chiến tranh, ông bị một mảnh bom rơi trúng và mất nửa bàn chân nên đi đứng có phần khó khăn. Ở cái tuổi 69, lẽ ra là đã nghỉ ngơi để vui vầy bên con cháu nhưng ông Hải vẫn làm việc miệt mài trên những thửa ruộng, mảnh vườn. Ông bảo, “già rồi, con cái cứ bảo nghỉ đi nhưng không nghỉ được. Làm nông thì phải gắn bó với đất đai, tôi đây đã làm việc cả đời, giờ mà nghỉ, buồn chân buồn tay, suy nghĩ lung tung là bệnh ngay”. Vừa nói, ông vừa khập khiễng lội từ dưới hồ sen lên, đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi da xanh, năm roi rộng 300mvới 150 gốc. Ông tính nhẩm cứ một năm, mỗi gốc bưởi cho một triệu đồng, trừ đi một nửa chi phí thì ông cũng thu được hơn 70 triệu đồng. Ngoài bưởi, ông còn có 1.000 gốc khóm, 25 gốc xoài, 25 gốc quýt thái; 2,5 mẫu ruộng. Bấy nhiêu đó trong vườn đã giúp ông không phải lo lắng khi tuổi già đến.

 

Đăm chiêu nhìn vào thành quả của hơn chục năm trời cày xới, ông Hải chia sẻ: “Đất Hòa Thịnh này cũng khắc nghiệt lắm, cứ mỗi khi vào mùa mưa, nước trên núi đổ về, ngập lênh láng lên cả thước rồi cứ úng mãi ở đó một thời gian. Sau đó thì mùa mưa qua đi, nắng hạn lại đến, đất đai khô khốc không trồng được gì. Tôi mất cả 10 năm trồng thử nghiệm nào mít, nào bơ, cam, chanh, sầu riêng…, thất bại hoài vì những cây này không chịu được ngập úng, gió bão, đến cuối cùng mới chọn được cây bưởi. Trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều lúc thấy khó khăn, khắc nghiệt quá nhưng rồi tôi nghĩ lại, ngày xưa ông cha không tiếc máu xương đồng khởi để chiến thắng kẻ thù thì nay nhân dân phải có trách nhiệm đồng khởi để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

 

Với tinh thần đồng khởi để xây dựng cuộc sống mới, đảng bộ, chính quyền xã Hòa Thịnh tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38,04 triệu đồng/năm; toàn xã có 101 hộ nghèo (chiếm 2,98%); có 2.979/3.180 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 10/10 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”.

 

Nói về định hướng phát triển của địa phương thời gian tới, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh, cho biết là một xã thuần nông nên thời gian tới, xã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đặc biệt, xã tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. 

 

Trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều lúc thấy khó khăn, khắc nghiệt quá nhưng rồi tôi nghĩ lại, ngày xưa ông cha không tiếc máu xương đồng khởi để chiến thắng kẻ thù thì nay nhân dân phải có trách nhiệm đồng khởi để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Ông Nguyễn Hải (thôn Cảnh Tịnh, xã Hòa Thịnh)

 

THÁI HÀ

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây